CHẠY ĐUA CẤP CỨU THÀNH CÔNG NGƯỜI BỆNH PHẢN VỆ ĐỘ III

Đăng lúc: 00:00:00 06/09/2023 (GMT+7)

Phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Ngày 16/08 vừa qua, Khoa Hồi sức – Cấp cứu BVĐK Thiệu Hóa đã tiếp nhận một bệnh nhân bị sốc phản vệ khi sử dụng thuốc bôi ngoài da. Các bác sĩ trong khoa đã chạy đua hết sức mình để giành lại sự sống cho người bệnh.
Bệnh nhân H, 43 tuổi, sinh sống tại xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa đã bị sốc phản vệ khi sử dụng thuốc bôi vào vết thương. Theo lời người nhà kể lại:
Bệnh nhân H bị một vết thương nhỏ ở chân. Bà tự đến hiệu thuốc mua một tuýt thuốc bôi, không rõ nhãn hiệu, tên thuốc và thành phần. Sau khi bôi được 10 phút bà H có dấu hiệu nổi mẩn ngứa, khó thở, vã mồ hôi. Bệnh nhân nhanh chóng rối loạn ý thức, đại tiểu tiện không tự chủ. Sau đó người nhà phát hiện và đưa vào BVĐK Thiệu Hóa để cấp cứu.
Benh-nhip-tim-cham.jpg
Nhịp tim của bệnh nhân H chậm khi được đưa vào cấp cứu
Khi tiếp nhận bệnh nhân, các điều dưỡng và bác sĩ đã ngay lập tức kiểm tra huyết áp, điện tim. Bệnh nhân được bác sĩ đánh giá phản vệ độ III, cơ thể rơi vào tình trạng rất nguy kịch. Bà H nhanh chóng được thực hiện phác đồ cấp cứu.
Một loạt các biện pháp cấp cứu được các Bác sĩ thực hiện. Bệnh nhân được chỉ định dùng các loại thuốc cần thiết chống sốc và được theo dõi sinh hiệu liên tục. Sau 25 phút cấp cứu, bệnh nhân tỉnh hơn, tiếp xúc được, đỡ khó thở, da toàn thân giảm phát ban, huyết áp, nhịp thở ổn định.
Bệnh nhân được xử trí cấp cứu nhanh chóng, kịp thời, tích cực và đáp ứng với các loại thuốc theo phác đồ điều trị, nên diễn tiến lâm sàng bệnh nhân cải thiện rõ rệt. Chức năng sống của bệnh nhân trở về như bình thường, nhưng phải theo dõi trong vòng 24 - 48 giờ tránh tái sốc.
8-cach-tri-noi-me-day-tai-nha-an-toan-hieu-qua-1-800x450.jpg
Dấu hiệu đầu tiên khi phản vệ đó là nổi mẩn ngứa
Sau cơn nguy kịch, bệnh nhân được lưu tại khoa cấp cứu bệnh viện để theo dõi tiếp tục. Sau 5 ngày điều trị tại khoa, bệnh nhân đã hoàn toàn bình thường, da còn một số nốt đỏ, hơi ngứa, thở bình thường, huyết áp và nhịp tim ổn định, không phù mạch. Sau khi tình trạng ổn định bệnh nhân được xuất viện về nhà.
Sốc phản vệ là một kiểu phản ứng dị ứng cấp tính nặng đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được xử trí điều trị kịp thời nhanh chóng. 
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên sốc phản vệ nhưng một số nguyên nhân thường gặp như thuốc, thực phẩm, hóa chất, nọc độc côn trùng/bò sát, Protein.
Để phòng tránh sốc phản vệ, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ biết bạn đã từng dị ứng hay sốc phản vệ. Đồng thời nhân viên y tế có trách nhiệm hỏi kỹ các tiền sử dị ứng của bệnh nhân, thực hiện test thuốc theo quy định bộ y tế, luôn kiểm tra hộp thuốc chống sốc, thường xuyên tập huấn cho nhân viên y tế về nhận biết và xử trí sốc phản vệ.

Các ngày trong tuần từ Thứ 2 đến Chủ nhật
Mùa đông: 7:15 - 11:45 | 13:00 - 16:30
Mùa hè: 6:45 - 11:30 | 13:30 - 16:45
Trực cấp cứu: 24/24

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
17194