BVĐK THIỆU HÓA THỰC HIỆN NGHIỆM PHÁP DUNG NẠP GLUCOSE CHO THAI PHỤ

Đăng lúc: 00:00:00 22/12/2023 (GMT+7)

Nghiệm pháp dung nạp glucose là một xét nghiệm hữu ích và quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh tiền đái tháo đường và đái tháo đường. Đặc biệt là đối với những phụ nữ đang mang thai, giúp phát hiện sớm tình trạng đái tháo đường thai kỳ. Qua đó hạn chế tối đa những nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.

Nghiệm pháp dung nạp glucose là gì?
Nghiệm pháp dung nạp glucose là một phương pháp kiểm tra việc sử dụng đường glucose - một chất cung cấp năng lượng quan trọng cho hoạt động sống của cơ thể. Xét nghiệm này còn dùng để chẩn đoán bệnh tiền đái tháo đường và đái tháo đường rất hiệu quả.
Bên cạnh đó, nghiệm pháp dung nạp glucose thường được bác sĩ yêu cầu thực hiện ở những phụ nữ đang mang thai. Thông qua đó phát hiện sớm đái tháo đường thai kỳ - một bệnh lý nguy hiểm thường gặp ở tuần thai thứ 24 - 28.
phu-nu-mang-thai-co-the-bi-dai-thao-duong-thai-ky.jpg
Thai phụ cần kiểm tra tiểu đường thai kỳ để phát hiện sớm và điều trị
Những đối tượng nào có nguy cơ và nên làm nghiệm pháp dung nạp glucose?
Đái tháo đường là một bệnh lý nguy hiểm và rất phổ biến hiện nay. Đây được coi là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 3 sau ung thư và các bệnh lý tim mạch. Đái tháo đường diễn biến khá phức tạp và có nhiều yếu tố liên quan. Do đó việc xét nghiệm phát hiện sớm bệnh có ý nghĩa rất lớn trong việc điều trị hiệu quả.
Đa số tất cả các phụ nữ đang mang thai đều được bác sĩ khuyên nên làm nghiệm pháp dung nạp glucose để phát hiện sớm đái tháo đường thai kỳ. Thời điểm thích hợp nhất đó là tuần thai thứ 24 - 28.
Đái tháo đường thai kỳ rất nguy hiểm đối với mẹ và thai, gây ra nhiều hậu quả sau khi trẻ lớn lên. Đối với mẹ có thể gây tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường type 2 sau khi sinh. Với thai, có thể gây hiện tượng thai chết lưu, đẻ non; sau khi sinh trẻ dễ mắc các bệnh lý vàng da, nhiễm trùng và suy hô hấp; tăng nguy cơ mắc đái tháo đường, béo phì trong quãng đời của trẻ sau này,... Chính vì vậy, việc xét nghiệm sớm đái tháo đường thai kỳ là vô cùng cần thiết.
Một số trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh cần chú ý như :
- Có tiền sử đã từng mắc tháo đường ở lần mang thai trước.
- Người bị huyết áp cao, béo phì có chỉ số BMI trên 30, buồng trứng đa nang.
- Tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường type 2.
- Phụ nữ từng bị sảy thai không rõ nguyên nhân hoặc từng sinh con nặng trên 4 kg.
Bên cạnh đó, xét nghiệm dung nạp glucose cũng được yêu cầu thực hiện đối với những người có nguy cơ và đang nghi ngờ mắc đái tháo đường type 2. Xét nghiệm đường huyết lúc đói cho kết quả trên 126mg/dL và/ hoặc HbA1c lớn hơn 6,5%.
Nghiệm pháp dung nạp glucose được thực hiện như thế nào?
Vài ngày trước khi làm xét nghiệm, thai phụ sẽ được bác sĩ khuyên nên ăn uống bình thường và không dùng các thuốc nhóm glucocorticoid, lợi tiểu, chẹn beta giao cảm, estrogen.
Trước khi tiến hành xét nghiệm, thai phụ cần phải nhịn ăn trong khoảng 10 - 12 tiếng, hạn chế vận động mạnh và tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
- Đầu tiên bác sĩ sẽ lấy máu xét nghiệm đường huyết lúc đói cho thai phụ. Kết quả glucose lúc đói sẽ là cơ sở để đánh giá các giai đoạn tiếp theo.
- Sau đó thai phụ sẽ uống khoảng 75g glucose và ngồi yên tại chỗ.
- Tiến hành lấy máu xét nghiệm glucose sau 1h và 2h để đánh giá. Lưu ý trong suốt 2h từ lúc uống glucose, thai phụ không được ăn gì.
Kết quả của xét nghiệm dung nạp glucose sẽ cho biết thai phụ có bị đái tháo đường thai kỳ hay không. Tiêu chuẩn để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ đó là:
- Nồng độ glucose lúc đói trên 5,1 mmol/L.
- Nồng độ glucose sau 1h trên 10,0 mmol/L.
- Nồng độ glucose sau 2h trên 8,5 mmol/L.
Chỉ cần có một hoặc nhiều hơn các chỉ số có kết quả như trên sẽ được chẩn đoán là đái tháo đường thai kỳ.
Nếu cả 3 chỉ số đều thấp hơn giá trị trên chứng tỏ thai phụ không mắc đái tháo đường thai kỳ.
Nếu nồng độ glucose sau 2h rơi vào khoảng 7,8 - 11,1 mmol/L thai phụ được chẩn đoán bị tiền đái tháo đường.
xet-nghiem-mau-thai-ky.jpg
Phụ nữ mang thai cần chú ý đến những dấu hiệu của bệnh tiểu đường
Nếu bị đái tháo đường thai kỳ, thai phụ nên làm gì là tốt nhất?
Trong trường hợp sau khi xét nghiệm, bạn được chẩn đoán là đái tháo đường thai kỳ, vậy cần phải làm gì? Điều đầu tiên chắc chắn là phải tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Bên cạnh đó, các mẹ bầu cần phải chú ý thêm một số điều sau:
- Không nên quá lo lắng, bởi tâm lý của mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thai cũng như hiệu quả điều trị. Do đó bạn cần phải luôn vui vẻ, lạc quan, tránh u sầu.
- Cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng: hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều glucose, tinh bột và dầu mỡ. Tăng cường bổ sung vitamin, rau xanh, các loại quả và chất đạm.
- Luôn kiểm soát cân nặng của mình. Tình trạng béo phì cũng là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến mắc đái tháo đường.Tuy nhiên bạn cũng không nên nhịn ăn để giảm cân sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Vận động thể dục thể thao nhẹ nhàng và khoa học, phù hợp với những bà bầu.
- Cần phải theo dõi định kỳ tình trạng đường huyết bằng cách xét nghiệm máu. Nếu không, bệnh có thể gây những biến chứng nguy hiểm và khó kiểm soát.
Một điều đặc biệt mà mẹ bầu cần chú ý nữa đó là nên chọn một địa chỉ y tế tin cậy và chất lượng để khám cũng như theo dõi tình trạng sức khỏe.
top-62-bac-si-kham-thai-do-de-gioi-va-mat-tay-nhat-tren-ca-nuoc-bluecare-640x381.jpg
Phụ nữ mang cần khám thai định kỳ
Không chỉ riêng nghiệm pháp dung nạp glucose mà tất cả các kỹ thuật và xét nghiệm khác đều được thực hiện một cách nghiêm ngặt, đảm bảo đúng quy định về chất lượng. Quý khách hàng có thể yên tâm khi đến khám chữa bệnh và thực hiện xét nghiệm tại đây.
Bệnh viện được đầu tưvề trang thiết bị y tế và cơ sở vật chất. Các bà bầu khi đi khám thai ở đây sẽ thấy vô cùng thoải mái bởi không gian xanh và sự tiếp đón nhiệt tình của các nhân viên. Một tâm trạng vui vẻ cũng sẽ giúp cho sức khỏe của bạn tốt hơn rất nhiều.

Các ngày trong tuần từ Thứ 2 đến Chủ nhật
Mùa đông: 7:15 - 11:45 | 13:00 - 16:30
Mùa hè: 6:45 - 11:30 | 13:30 - 16:45
Trực cấp cứu: 24/24

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
17194