CẢNH BÁO NHỮNG DẤU HIỆU NGUY HIỂM CỦA BỆNH LÝ SỐT XUẤT HUYẾT

Đăng lúc: 13:00:00 11/10/2023 (GMT+7)

Khi mắc sốt xuất huyết bạn cần nắm được triệu chứng ở từng giai đoạn. Khi bệnh có dấu hiệu trở nặng bạn cần đến ngay bệnh viện để được theo dõi và điều trị kịp thời. Hãy theo dõi video để biết rõ về những triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết.

Thông tin được tư vấn bởi BSCKI. Lê Sỹ Đáng – Trưởng khoa Truyền nhiễm – BVĐK Thiệu Hóa.
Bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện khá đa dạng, diễn biến bệnh nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và thường diễn biến qua 3 giai đoạn:
1. Giai đoạn sốt
Thông thường sau khi bị muỗi vằn mang bệnh đốt, bạn sẽ có thời gian ủ bệnh từ 4-10 ngày, rồi mới có các biểu hiện:
- Dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục từ 39-40 độ C, kéo dài khoảng 2-7 ngày. Sốt cao khó hạ là triệu chứng điển hình của sốt xuất huyết.
- Đau đầu dữ dội ở vùng trán, nhức hai hố mắt sau nhãn cầu
- Có thể có nổi mẩn, phát ban, da xung huyết
- Chán ăn, buồn nôn, đau cơ, đau khớp
20211028_sot-ve-chieu-va-dem-o-nguoi-lon-1.jpg
Sốt cao đột ngột, khó hạ là dấu hiệu điển hình của sốt xuất huyết
2. Giai đoạn nguy hiểm
Thường diễn biến vào ngày thứ 3 đến thứ 7. Người bệnh có thể vẫn sốt hoặc giảm sốt. Tuy nhiên, bạn đừng nhầm lẫn cơ thể đang hồi phục. Người nhà cần theo dõi sát sao, nếu thấy người bệnh có những biểu hiện sau đây, hãy đưa ngay đến cơ sở y tế:
- Biểu hiện mệt mỏi, li bì, đau nhức, tay chân lạnh, huyết áp thấp hoặc không kiểm tra được huyết áp, đi tiểu ít.
- Xuất hiện các nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước cẳng chân và mặt trong cánh tay, bụng, đùi, sườn.
- Chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng
- Kinh nguyệt xuất hiện sớm hơn bình thường hoặc kéo dài
- Nôn ra máu, đi tiểu ra máu, đi ngoài phân đen
- Đau bụng buồn nôn
20210302_sot-xuat-huyet-chay-mau-chan-rang-2.jpg
Người bệnh cần lưu ý khi bị chảy máu chân răng
3. Giai đoạn hồi phục
Sau từ 7-10 ngày, trạng thái cơ thể của bạn sẽ dần tốt lên. Bạn sẽ có biểu hiện thèm ăn là dấu hiệu cơ thể đang trở lại bình thường.
Chăm sóc người bệnh như thế nào?
Trong quá trình bị sốt xuất huyết, người bệnh cần phải đo nhiệt độ thường xuyên để phòng tránh sốt cao. Trong khi bị bệnh, bệnh nhân thường có biểu hiện mệt mỏi,dễ mất nước. Người bệnh cần bổ sung nước đầy đủ. Trẻ em cần bổ sung 1,5l nước mỗi ngày. Đối với người lớn cần uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày. Có thể sử dụng nước sôi để nguội, nước hoa quả, nước canh, nước cháo loãng với muối. Nên dùng khăn ấm lau mát cơ thể, chườm ấm ở vùng nách và bẹn để hạ thân nhiệt. Mặc quần áo thoáng mát và mỏng. Nếu sốt trên 38,5 độ C cần uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ.
Khi bị sốt xuất huyết không nên ăn các thức ăn cứng, khó tiêu. Để hạn chế khó chịu nên ăn các thức ăn dạng lỏng như cháo, soup.
20190226_095653_483565_dinh-duong.max-1800x1800.jpg
Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng giúp người bệnh phục hồi
Hiện nay vẫn chưa có vacxin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh do virus đen gu gây ra với 4 type virus khác nhau.
Để tích cực, chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh. Bác sĩ khuyến cáo người dân cần thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng bệnh sau:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng (bọ gậy) bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá… để không cho muỗi đẻ trứng.
- Phát quang bụi rậm
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch, các chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường.
- Khi bị sốt thì đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
20220721134310.387.jpg
Giữ gìn vệ sinh môi trường xanh sạch đẹp để phòng muỗi đẻ trứng
Từ đầu năm 2023, Khoa truyền nhiễm – BVĐK Thiệu Hóa đã tiếp nhận điều trị khoảng 118 bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết. Trong thời gian dịch bùng phát mạnh, một ngày khoa đón khoảng 3-4 bệnh nhân nhập viện vì sốt xuất huyết. Với nhu cầu điều trị tăng cao, các bác sĩ và điều dưỡng trong khoa luôn cố gắng làm việc tận tâm, chăm sóc bệnh nhân kỹ lưỡng, hạn chế tối đa biến chứng cũng như chuyển tuyến điều trị.

Các ngày trong tuần từ Thứ 2 đến Chủ nhật
Mùa đông: 7:15 - 11:45 | 13:00 - 16:30
Mùa hè: 6:45 - 11:30 | 13:30 - 16:45
Trực cấp cứu: 24/24

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
17194