(NGUY HIỂM) BÙNG PHÁT DỊCH ĐAU MẮT ĐỎ THỜI ĐIỂM GIAO MÙA

Đăng lúc: 00:00:00 25/08/2023 (GMT+7)

Thời gian gần đây, BVĐK Thiệu Hóa tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh lý viêm kết mạc đến khám và điều trị. Bệnh nhân ở các độ tuổi khác nhau, trong đó có nhiều người già và trẻ nhỏ. Một số trường hợp nặng, chủ quan không đến cơ sở y tế chuyên khoa điều trị, dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Đau mắt đỏ là bệnh gặp phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa. Đặc biệt là vào mùa hè thời tiết nắng nóng chuyển qua mưa, độ ẩm không khí tăng cao, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm...là điều kiện thuận lợi cho bệnh đau mắt đỏ phát triển và bùng phát thành dịch. Thời tiết nắng nóng khi giao mùa, cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết, dễ mệt mỏi, hệ thống miễn dịch hoạt động yếu nên virus tấn công dễ dàng hơn, trong đó có virus gây đau mắt đỏ.
Theo báo cáo của Khoa Liên chuyên khoa – BVĐK Thiệu Hóa, thời gian gần đây, bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám tại bệnh viện đang tăng. Mỗi ngày bệnh viện đã tiếp nhận khám và điều trị cho 5-7 bệnh nhân đau mắt đỏ.
Chị H, 32 tuổi, sinh sống tại xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa, Thanh Hóa có con trai 6 tuổi bị đau mắt đỏ, chia sẻ: “Cách đây một tuần, cháu bị đỏ mắt, đổ ghèn,....Chị nghĩ con mình bị đau mắt đỏ thông thường do lây từ anh trai đi học nên tự điều trị ở nhà cho cháu, khi bệnh không giảm mà càng ngày nặng hơn thì mới đưa đến bệnh viện điều trị”.
Đau mắt đỏ.jpg
Triệu chứng của bệnh viêm kết mạc cấp tính
Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng nếu được điều trị kịp thời và đúng cách. Tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh. Đặc biệt lưu ý là người bệnh đau mắt đỏ không nên tự ý dùng lá cây đắp mắt theo cách chữa trị dân gian, vì ấu trùng giun trong lá có thể chui vào mắt và gây biến chứng nặng nề hơn cho mắt.
Bác sỹ Chuyên Khoa Mắt. Đặng Thị Trang – Khoa LCK – BVĐK Thiệu Hóa cho biết: Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, người dân nên thực hiện tốt các biện pháp như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng;  không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang… 
Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ. 
phong-chong-dau-mat-do-1024x853.jpg
Cách phòng bệnh đau mắt đỏ 
Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; Cần được nghỉ học/nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng”.
Thời gian tới, thời tiết tiếp tục nắng nóng, lụt bão diễn biến bất thường là điều kiện để bệnh đau mắt đỏ phát triển thành dịch, mỗi người dân hãy tự nêu cao ý thức trách nhiệm, chủ động phòng tránh bệnh đau mắt đỏ bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Các ngày trong tuần từ Thứ 2 đến Chủ nhật
Mùa đông: 7:15 - 11:45 | 13:00 - 16:30
Mùa hè: 6:45 - 11:30 | 13:30 - 16:45
Trực cấp cứu: 24/24

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
17194